Trò chuyện về trà Việt với nghệ nhân Hoàng Anh Sướng

Truyền nhân đời thứ 6 của dòng trà Trường Xuân, Hà Nội – nghệ nhân Hoàng Anh Sướng – chia sẻ về nghệ thuật trà đạo, lĩnh vực mà anh dành hơn nửa cuộc đời nghiên cứu một sách đam mê.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng mở đầu: Nghệ thuật thưởng trà bắt đầu từ tầng lớp thượng lưu quyền quý, vua chúa ngày xưa. Vì vậy mà ngày nay nghệ thuật thưởng trà tinh tế ấy vẫn còn lưu truyền ở Hà Nội, Huế.

Trong nghệ thuật thưởng trà của người Việt, pha một bình trà đúng cách thì phải làm như thế nào, thưa ông?

Trong cuộc sống hiện đại, khi chúng ta bận rộn nhưng vẫn yêu thích trà thì có thể uống Lipton, Dilmah… Tuy nhiên, mỗi khi muốn thư giãn, sâu lắng vẫn nên dành thời gian uống trà như cách mà tôi trình bày sau đây:

Để có một chén trà ngon đầu tiên là phải có: trà ngon, điều quan trọng thứ hai không thể thiếu chính là nước pha trà. Người xưa đúc kết: “Nhất thủy – Nhị trà – Tam pha – Tứ ấm”. Có nghĩa là đầu tiên nước pha trà phải ngon, thứ hai là trà ngon, thứ ba người pha trà phải khéo và cuối cùng ấm pha trà phải tốt.

Ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại trà khác nhau, từ trà xanh của vùng chè Thái Nguyên, chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang, Suối Giàng hay Tà Xùa – Sơn La. Riêng Hà Nội thì sáng tạo ra một số loại trà ướp hương tự nhiên như hoa nhài, hoa sen, hoa cúc, hoa bưởi… Miền Nam thì thường ưa chuộng trà Ô long.

Mỗi loại trà đòi hỏi nhiệt độ khác nhau. Ví dụ, trà xanh thì thường cần phải đun sôi 100 độ C, tuy nhiên hiện nay có một số nghệ nhân trà ở Thái Nguyên hoặc vùng núi Hà Giang chỉ hái mỗi đọt non của trà xanh, chúng rất nhanh chín. Vậy nên, để có chén trà ngon với những loại trà đọt non, chỉ cần pha ở nhiệt độ từ 85-90 độ C. Với trà Ô long cũng vậy.

Tâm thế pha trà đặc biệt quan trọng. Khi pha trà tâm của chúng ta phải hoàn toàn thư thái, dành hết tâm huyết trong từng động tác và nghĩ rằng phải làm sao để có trà ngon cho chính mình và dâng mời khách. Với tâm chánh niệm, chắc chắn chúng ta sẽ có chén trà ngon.

Theo kinh nghiệm thưởng trà của các bậc cao niên, để có được một ấm trà ngon thì phải đảm các yếu tố theo tuần tự: Nhất thủy – nhì trà – tam pha – tứ bình – ngũ quần anh. Ông có thể giải thích thêm về tuần tự này?

Làm thế nào để có một chén trà ngon là thao thức của tất cả những người yêu trà trên thế giới chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Việt Nam là cái nôi trà cổ của thế giới, có lịch sử trà hàng ngàn năm, qua mỗi một thời các nghệ nhân không ngừng sáng tạo, nghiên cứu để chắt chiu ra chén trà ngon.

Theo đúc kết của người xưa, 4 yếu tố quan trọng hàng đầu chính là “Nhất thủy – Nhị trà – Tam pha – Tứ ấm” như đã nói ở trên.

Cổ nhân ngày xưa đã đặt một cái tên rất hay cho nước pha trà đó là “trà hữu” nghĩa rằng nước là bạn, tri kỷ của trà.

Nước pha trà có rất nhiều nguồn từ nước suối, nước giếng, nước sông đến nước mưa. Từ xa xưa, cổ nhân rất chuộng dùng nước suối để pha trà.

Có một câu rất nổi tiếng “Sơn thủy thượng, giang thủy trung và tĩnh thủy hạ”.

Sơn thủy thượng nghĩa là nước đầu nguồn từ ngọn suối chảy về, lấy nước pha trà ngon nhất. Giang thủy trung là nước ở giữa dòng sông pha trà là ngon thứ nhì. Tĩnh thủy hạ là nước giếng trên núi, lấy pha trà ở mức thứ ba.
Trong mỗi nguồn nước lại chia thành nhiều thứ hạng, ví dụ như nước suối nếu hứng ở đầu nguồn, nước chảy xiết dùng để pha trà nhanh chín nhưng hương trà mau tan. Uống thường xuyên sẽ bị đau họng.

Cũng là nước suối nhưng nếu hứng nước cuối nguồn, chỗ không lưu thông, pha thì trà lâu chín, không dậy hương. Dùng thường xuyên thì sẽ bị sỏi thận.

Theo kinh nghiệm của các bậc cao niên ngày xưa thì chúng ta nên chọn chỗ yên bình nhất của con suối, nước lưu thông hiền hòa để pha trà là tốt nhất.
Nước mưa cũng là một nguồn nước được người xưa ưa chuộng. Các bậc cao niên truyền tải rằng những cơn mưa đầu mùa hạ không nên hứng, mà phải đợi đợt mưa thứ 3, 4 (vì đợt đầu tiên hứng nước mưa trên mái ngói sẽ cuốn theo bụi tích tụ trước đó). Dụng cụ để hứng nước mưa ngày xưa cũng rất đa dạng, nó có thể là bể hoặc giếng. Sau khi để một thời gian, dùng nước mưa pha trà cũng rất tuyệt vời.

Dùng nước sương đọng trên lá sen để pha trà có thể nói là một “tuyệt đỉnh” về chọn nước pha trà của chúa Trịnh Sâm ngày xưa. Tôi từng chia sẻ điều này với rất nhiều trà sư nổi tiếng của Nhật Bản và Trung Quốc. Họ kính nể người Việt mình khi có những người cầu kỳ đến độ mà cứ hàng sáng ra Hồ Tây hứng những giọt sương trên lá sen, tích nước pha trà.

Riêng bản thân tôi đã có khám phá thú vị trong hành trình nghiên cứu về trà, đó là dùng nước suối, nước giếng chính tại nơi mình hái trà sẽ cho hương vị rất tuyệt vời.

Còn nhớ, dạo tôi lên Tà Xùa hái trà và sau đó pha với chính nước suối Tà Xùa thì cho ra một vị vô cùng đặc biệt mà về Hà Nội dùng nước suối, nước tinh lọc hay nước mưa cũng không thể có hương vị thơm như thế.

Hay có một lần tôi được uống trà cùng với một vị sư trụ trì của chùa cổ trên xã Tân Cương – vùng trà nổi tiếng của Thái Nguyên. Ngài mời tôi chén trà Tân Cương. Khi vừa rót trà ra, cả căn phòng phòng khách vốn rất rộng nhưng nhanh chóng bị phủ đầy hương vị cốm non rất đặc biệt. Vị sư trụ trì lý giải rằng loại trà đó pha bằng chính nước giếng ở Tân Cương nên mới tỏa được hương vị không đâu sánh bằng.

Nói về ấm pha trà thì ngày xưa các cụ rất chuộng ấm Nghi Hưng của Trung Hoa. Người xưa còn đúc kết: “Thứ nhất Thế Đức Gan Gà, thứ nhì Lưu Bội và thứ ba Mạnh Thần”. Đó là ba dòng ấm trà nổi tiếng của Trung Hoa mà người Việt ngày xưa khi đã yêu trà, yêu ấm trà thì kiểu gì cũng phải sắm, dùng bằng được.

Sở dĩ Nghi Hưng nổi tiếng sản xuất trà bởi vì thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây đất sét và nguồn khoáng rất tốt. Chính vì thế cho đến tận hôm nay Nghi Hưng vẫn là nơi sản xuất ấm trà nổi tiếng nhất thế giới.

Nhân nói đến ấm pha trà, với kinh nghiệm của mình, ông chia sẻ nguyên tắc chọn ấm pha trà đúng điệu?

Đầu tiên là phải chọn về hình thức. Nghĩa là vòi, nắp, quai ấm trà phải hài hòa, cân đối.

Ngoài ra, bề mặt của ấm trà phải mịn, thậm chí bây giờ người ta nói vui là “mịn như da trẻ em”. Nhất là phía bên trong ấm, càng phải mịn.

Kỹ thuật của ấm trà không được sai sót, để khi rót trà thì không được dây nước ra đầu vòi. Nắp ấm phải khít tuyệt đối thì mới giữ được hương và nhiệt độ.

Cách đơn giản nhất để kiểm tra điều này là hãy đặt ấm trà dưới một mặt phẳng. Nếu miệng, vòi và quai ấm thành một mặt phẳng thì đấy là ấm trà chuẩn.

Ngoài ra, chúng ta quan sát nắp ấm có khít không bằng cách rót nước vào ấm sau đó chắt nước ra ngoài. Thường những ấm trà nổi tiếng bao giờ cũng có lỗ thông khí ở trên đỉnh nắp ấm, vì vậy khi rót mà nước chảy đều không dây ra viền nắp và khi nước đang chảy dùng tay bịt lỗ thông hơi nếu nước ngừng chảy điều đó chứng tỏ ấm trà kín tuyệt đối. Còn nếu đã bịt kín lỗ thông hơi mà nước vẫn chảy thì chứng tỏ ấm trà không kín. Đây là một trong những nguyên tắc căn bản để chọn ấm, các bạn nhé.

Còn nguyên tắc chọn trà ngon?

Việt Nam có rất nhiều loại trà khác nhau, tùy theo sở thích mỗi người sẽ chọn cho mình loại trà phù hợp. Ví như có người chỉ thích trà mộc, tức là chỉ có hương vị nguyên sơ của trà chứ không thích ướp hương, nhưng có người lại thích trà sen, trà nhài, trà cúc, trà ô long…

Thế nhưng điều căn bản, đầu tiên chúng ta phải xem hình dáng của trà, búp trà. Khi ta cầm trà mà nhìn thấy những cánh ban, cánh đỏ, dập nát thì chắc chắn đấy không phải là trà ngon. Kế tiếp là phải ngửi mùi hương của trà. Đối với những loại trà ướp hương tự nhiên như sen, nhài thì hương phải thơm, tươi mát.

Hiện ở ngoài thị trường, người ta thường hay ướp bằng tinh dầu hóa chất (ví dụ như trà sen, trà lài thì ướp bằng tinh dầu). Đương nhiên, uống những loại trà này sẽ rất độc.

Đặc biệt, người Sài Gòn rất thích uống trà đá. Khi được bạn bè mời đi ăn cơm tôi đã có dịp uống trà đá Sài Gòn.

Nếu tôi không nhầm thì trà đá tại một số nhà hàng lại hay dùng hương liệu, hóa chất để ướp trà. Tôi nghĩ nếu uống loại nước này thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe. Vì thế, nếu uống trà đá mà nhận thấy không phải hương hoa tự nhiên mà là hương hóa chất thì tốt nhất không nên dùng!

Như ông vừa nói thì ứng với mỗi loại bình khác nhau thì việc hãm trà và ủ trà cũng khác nhau?

Đúng như thế! Hiện nước ta chia làm hai loại ấm căn bản: một là loại ấm bằng đất nung, hai là loại ấm sành sứ như của Minh Long I. Tôi có một số lời khuyên cho quý vị là đối với ấm bằng chất liệu sành sứ giống như Minh Long I thì chúng ta nên pha trà Ô long hoặc trà sen, trà lài. Đối với ấm đất có thể dùng để pha trà Thái Nguyên, trà Shan Tuyết.

Có dịp đi nhiều nơi, nghiên cứu và tìm hiểu về trà, ông có thể cho biết nghệ thuật thưởng trà của người Việt có khác gì với người Nhật, Trung Quốc hay người Anh?

Nói về nghệ thuật uống trà nổi tiếng trên thế giới, người ta bao giờ cũng phải nhắc đến ba nôi trà lớn đó là nghệ thuật trà Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Trà Anh quốc cũng là một nơi uống trà nổi tiếng nhưng không phải vì sự cầu kỳ mà là vì họ uống nhiều thôi. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới để nói chuyện về trà, trong đó có phương Tây thì nhận thấy hiện tại họ cũng bắt đầu du nhập văn hóa trà của phương Đông, ví dụ như trà Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan.

Người phương Tây nói chung và người Anh nói riêng rất thích trà đen black tea. Uống trà đó – thú thực không thể coi là nghệ thuật được, đó chỉ đơn giản là thức uống tốt cho sức khỏe. Vì thế, tôi xin phép không bàn đến. Tôi chỉ xin nói về ba nôi trà cổ nhất trên thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Trà Nhật Bản sinh sau đẻ muộn so với trà Trung Hoa và trà Việt Nam rất nhiều. Mãi đến thế kỷ thứ VII, học giả Idesai Delfi của Nhật Bản sang Trung Hoa để học thiền tông của Phật giáo và ông học được cách uống trà của các vị thiền sư Trung Hoa.

Khi trở về nước ông mang những hạt giống đầu tiên về trồng ở vùng Uji, hiện nay là một trong những vùng trà nổi tiếng nhất của Nhật Bản và cũng là một trong những nôi trà nổi tiếng nhất thế giới. Từ đó trải qua 8 thế kỷ, đến thế kỷ XV Senno Rikyu (ông tổ trà lớn nhất của Nhật Bản) đã có công nâng trà lên thành nghi thức hoàn chỉnh như chúng ta chứng kiến.

Vì bắt nguồn từ Phật giáo nên trà đạo Nhật Bản đưa rất nhiều giáo lý của nhà Phật, thiền vào trong nghệ thuật uống trà. Những giáo lý đó về mặt kiến trúc từ trà thất đến cách trưng bày mọi thứ trong trà thất, cách thức uống, cách thức mời đều chứa đựng những triết lý sâu xa. Chính vì thế, khi tham dự một buổi trà đạo của Nhật Bản thì phải tuân thủ những nghi lễ đó. Nếu như không tuân thủ nghi lễ thì đó không phải trà đạo.

Người Trung Hoa từ trước đến giờ đều yêu cái đẹp. Với nghệ thuật uống trà thì người Trung Hoa muốn tôn vinh tối đa vẻ đẹp thẩm mỹ của chén trà. Do đó, người Trung Hoa đã nâng trà lên thành nghệ thuật trình diễn, làm sao để gây được sự mãn nhãn cho người thường thức.

Tôi có dịp sang Trung Hoa rất nhiều lần, dự nhiều buổi lễ pha trà của các nghệ nhân trà nổi tiếng từ nhiều vùng miền khác nhau. Đặc biệt, mỗi nghệ nhân Trung Hoa sẽ có cách pha trà khác nhau. Tuy nhiên, dù khác nhau thế nào thì đều mang lại cho người thưởng thức sự mãn nhãn.

Chẳng hạn như tôi đã từng dự một buổi trà của rất nhiều thiếu nữ Trung Hoa biểu diễn. Những thiếu nữ ấy mặc trang phục dân tộc, khoe đôi vai trần và đặt những ấm trà rất nhỏ với chiếc vòi dài đến 2m và họ sẽ đi quanh bàn trà, vừa múa vừa hát. Khi đi đến gần vị khách thì họ sẽ nghiêng bờ vai thon thả của mình và rót vào đúng chén trà nhỏ trước mặt khách.

Hoặc tôi cũng có dịp tham dự các buổi biểu diễn kungfu trà, ví dụ như những võ sư biểu diễn chén trà như biểu diễn võ thuật. Đương nhiên là những điều này sẽ gây sự thích thú cho các vị khách.

Còn trà Việt Nam xuất phát từ nông thôn, sau này trà mới du nhập vào Hà Nội và người Hà Nội mới bắt đầu nâng trà thành nghệ thuật. Chính vì thế về căn bản trà Việt Nam là điều bình dị, đặc biệt là bát trà tươi.

Hầu hết những vùng nông thôn ở phía Bắc nước ta thì ai cũng uống trà tươi. Họ trồng trà tại vườn nhà mình và buổi sáng thì những người mẹ, người chị sẽ ra vườn hái lá trà bánh tẻ về hãm trong nồi hoặc ấm tích. Khi khách đến chơi nhà họ sẽ kê một chõng tre hay dải chiếu hoa đầu hè để rót trà ra bát đàn – bát ăn cơm ngày xưa rồi dâng mời khách bằng hai tay.

Khi uống trà, người ta có thể dùng chung với khoai lang luộc, kẹo lạc… Trà Việt Nam giản dị như vậy đấy. Khi trà du nhập vào đất kinh kỳ ngày xưa thì người Thăng Long với sự cầu kỳ, tinh tế đã nâng trà lên thành nghệ thuật. Họ phả vào bát trà tươi đó sự óng ánh của sắc màu nghệ thuật kèm theo đó là những triết lý sâu xa.

Chính vì thế, trà Việt Nam giống như một cô gái nông thôn giản dị nhưng chinh phục mọi người bằng chính vẻ đẹp tâm hồn của mình.

Trà Nhật Bản giống như vị hiền triết khó tính, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói đều chứa đựng những triết lý sâu xa bắt nguồn từ Thiền tông Phật giáo.

Trà Trung Hoa thì giống như một cô gái thành thị, đỏm dáng, mỗi khi cô ra phố thì phải “make up”, mặc váy ngắn, váy dài, những bước chân của cô trên phố thì phải thu hút ánh nhìn của bao người.

Dù khác biệt như thế nhưng có một điểm chung là đều hướng đến bốn chữ vô cùng đáng quý “Hòa – Kính – Thanh – Tịnh”.

Hòa là sự hòa hợp, chúng ta uống trà để tìm thấy sự gần gũi, sẻ chia và đồng cảm. Kính ở đây là tôn kính, sự tôn trọng lẫn nhau. Thanh chính là sự thanh khiết của tâm hồn. Chúng ta uống trà để tẩy bụi trần. Tịnh chính là sự tĩnh lặng, ta uống trà để tâm lắng dịu, thảnh thơi, an lạc.

Như ông nói, Việt Nam là một trong ba chiếc nôi của trà thế giới, vậy tại sao nghệ thuật thưởng trà của người Việt lại chưa được nhiều người biết đến?

Việt Nam là một trong những phát tích đầu tiên của ngành chè thế giới cùng với Trung Hoa, Srilanka, Ấn Độ và Nhật Bản. Chúng ta có rất nhiều bằng chứng sống động để chứng minh rằng nước ta là một trong những phát tích sớm nhất của chè.

Đơn cử là những cánh rừng trà bạt ngàn ở Suối Giàng, Yên Bái. Ở Suối giàng hiện nay đang tồn tại một cánh rừng khoảng 40.000 cây, đã có thời kỳ ở đó phát hiện những cây chè cao 8m, đường kính 3 người ôm không xuể.

Hay cách đây vài năm khám phá trên đỉnh Fansipan có những cánh rừng trà cổ thụ mà cây trà cao đến 15-30m. Ngoài ra, tôi cũng từng được đặt chân đến những cánh rừng trà ở Hà Giang có rất nhiều cây chè hai người ôm không xuể.

Chúng ta cũng có những bản sắc rất riêng, độc đáo trong nghệ thuật uống trà. Tôi cũng nhiều lần đi khắp thế giới để quảng bá trà Việt Nam, hằng năm tại hiên trà của tôi tại Hà Nội thì đều có những buổi giao lưu với các nghệ nhân trà sư nổi tiếng của Nhật Bản. Tôi rất tự tin và tự hào về vẻ đẹp của trà Việt Nam.

10 năm trở lại đây tôi thấy ngành chè Việt Nam có những bước tiến vượt trội. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn đứng trong top 10 nước xuất khẩu chè nhiều nhất thế giới.

Thế nhưng trà Việt Nam lại được ít người biết đến. Theo tôi, một phần nguyên nhân có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới mà phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh như Việt Nam. Chúng ta trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, sau đó thì đối diện với hai cuộc kháng chiến lớn nhất chống Pháp và Mỹ.

Sau khi đất nước dành lại hòa bình độc lập thì thế hệ cha mẹ chúng ta đối diện với thời kỳ đói nghèo, cái ăn cái mặc không đủ. Chính vì thế, văn hóa uống trà, nghệ thuật uống trà bị mai một quá nhiều. Giữa lúc loạn lạc như vậy làm gì có thời gian mà uống trà, lúc đói nghèo thế làm sao mà thưởng trà được.

Hơn nữa, trà là một sản phẩm đặc biệt, là sự kết tinh của văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần nhưng người Việt chúng ta từ trước đến nay chỉ chú ý đến việc làm sao để sản xuất trà ngon, xuất khẩu mà không phải là quảng bá văn hóa trà Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản, Trung Hoa hay Đài Loan lại cực kỳ chú tâm đến vấn đề phát triển quảng bá văn hóa trà. Không chỉ tại nước mình, họ còn đi khắp thế giới để quảng bá trà. Việc này không phải chỉ của những nghệ nhân trà mà đều có sự yểm trợ của chính phủ. Đó là lý do vì sao trà Việt rất đặc biệt nhưng chưa được nhiều người biết đến ngay cả trong nước và trên thế giới.

Tôi hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có thêm nhiều nghệ nhân tâm huyết với văn hóa trà Việt và nhà nước quan tâm đến vấn đề này hơn. Tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể bay ra thế giới bằng những chén trà Việt.

Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Một ngày không có trà là một ngày không có niềm vui”. Là một nghệ nhân về trà, anh nghĩ sao về câu nói này?

Tôi thấy đây là một câu nói rất hình tượng về lợi ích của uống trà đem lại. Uống trà để phòng chống ung thư, giảm béo, đẹp da… thì  các nhà khoa học đã chứng minh rồi. Nhưng có một điều ít người nói đến đó là uống trà để tâm thanh tịnh, nhận diện được cuộc sống này hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ là nhiều tiền, không phải địa vị công danh mà đôi khi chỉ đơn giản là thảnh thơi trong một không gian được uống trà với tri kỷ, được lắng nghe, sẻ chia tất cả những khoảnh khắc đó.

Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa đến nay, người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đã nâng trà lên thành trà đạo. Người ta nói rằng nghệ thuật uống trà là nghệ thuật của thiền định, nghệ thuật của tẩy bụi trần. Theo tôi không có gì tuyệt vời bằng mỗi sáng sớm chúng ta bắt đầu bằng một chén trà. Giống như danh y nổi tiếng Việt Nam – Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã từng nói 500 năm trước: Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh nhất trản trà/ Nhất nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia (tạm dịch: Nửa đêm uống ba chén rượu/ Sáng sớm uống một chén trà/ Mỗi ngày đều đặn như thế/ Thầy thuốc không đến nhà).

Tôi muốn nhấn mạnh một chút là trong trà xanh có caffeine và tanin là những hoạt chất làm chúng ta hưng phấn. Những chàng trai, cô gái nào buổi sáng hay mắc bệnh ngáp ngủ thì không có gì tuyệt vời bằng một chén trà lúc sớm mai, chắc chắn làm ta tỉnh táo cả ngày.

Có thể vì thế một thi nhân làm thơ để ca ngợi trà Tân Cương rằng “Uống một tách trà, đi xa vạn dặm”.

Ngoài ra, tôi nghĩ có một ý nghĩa cụ thể và sâu xa hơn về mặt tinh thần. Như tôi vừa nói, uống trà giúp tỉnh thức, tâm lắng dịu để ta hiểu hơn về bản thân, cuộc sống. Trà có thể đưa chúng ta đi xa là vì thế.

Ở Trung Hoa có hai người rất nổi tiếng về trà. Một là trà sư Lục Vũ, tác giả cuốn Trà Kinh ở thế kỷ thứ VII thời Đường.

Trước khi trà sư Lục Vũ xuất hiện thì người Trung Hoa cho hạt trà xanh vào trong nồi, bỏ thêm vỏ cam, vỏ quýt và muối nấu lên uống. Từ khi có sự xuất hiện của trà sư Lục Vũ và sự ra đời của cuốn Trà Kinh, ông đã nâng trà lên thành nghệ thuật uống trà. Bắt đầu từ việc chọn ấm thế nào, nước ra sao, hái trà, trồng trà sao cho đúng và uống trà ở thời gian nào, không gian nào. Nhờ cuốn Trà Kinh này, trà sư Lục Vũ được người đời tôn làm bậc tổ trà của Trung Hoa. Nếu như có dịp thăm đất nước này, ghé vào các quán trà thì sẽ thấy nhiều bức tượng là tổ trà Lục Vũ.

Hai là bậc thánh trà – Lô Đồng Ngọc Xuyên Tử. Ông không phải trà sư mà là một thi nhân. Ông  làm một bài thơ hay đến nỗi người đời tôn sùng làm bài thánh ca về trà. Nhờ bài thơ đó ông được tôn vinh là bậc thánh trà. Tiếc rằng tại Việt Nam chưa có bài dịch chính thức, tôi tạm dịch bằng văn xuôi để mọi người nắm được tinh thần của bài thơ này. Vì bài thơ rất dài nên tôi chỉ xin lẩy một đoạn hay nhất của bài thơ, đoạn này nổi tiếng đến mức nó có thể tách thành một bài thơ độc lập, người ta gọi là “Thất tràng trà” (Bảy chén trà):

Chén thứ nhất ướt môi họng

Chén thứ hai phá cô sầu

Chén thứ ba tẩy ruột khô chỉ còn văn tự 5000 quyển

Chén thứ tư toát mồ hôi, mọi chuyện bất bình trong đời thoát ra mọi lỗ chân lông

Chén thứ năm hình hài trong sạch

Chén thứ sáu thông suốt đến cõi tâm linh

Chén thứ bảy chẳng uống đặc, chỉ thấy gió nhẹ thổi hai vai, bồng lai tiên cảnh xứ nào…

Câu đầu tiên cụ Lô Đồng Ngọc Xuyên Tử thuần túy chỉ miêu tả vị giác khi uống trà. Đến câu thứ 2 là nỗi cô đơn sầu muộn trong lòng đã tan biến theo hương trà rồi. Uống chén thứ 3 thì trí tuệ khai mở và cả kho tàng trí tuệ bao năm bừng nở. Chén thứ 4, trà có thể giúp chúng ta hóa giải mọi hận thù, đố kỵ. Chén thứ năm hình hài trong sạch. Chén thứ sáu thông suốt đến cõi tâm linh. Và đến chén thứ bảy không uống trà được nữa vì gió nhẹ thổi hai vai, cụ đã trở thành vị tiên, nhìn thấy bồng lai tiên cảnh.

Nếu như ai đó không muốn bó gọn trong bốn bức tường thì cũng xin mời uống trà thường xuyên, chén trà sẽ đưa tâm hồn chúng ta đi xa hơn rất nhiều.

Theo ông, thưởng trà thú vị nhất là khi nào? 

Thời gian uống trà cổ nhân ưa chuộng nhất khi xưa là buổi sáng sớm như trong bài kệ nổi tiếng của cụ Hải Thượng Lãn Ông Hữu Trác mà tôi vừa đọc ở trên Bình minh sổ tràn trà (Sáng sớm uống một chén trà).

Ngày xưa, ông bà ta thường uống trà vào tầm 4-5g sáng vì xem trọng âm dương ngũ hành, đây chính là thời khắc của âm và dương đang giao hòa. Khi âm của đêm tàn sắp qua đi, khí dương của một ngày mới đang đến, lúc này chúng ta uống một chén trà rất tốt cho sức khỏe.

Hơn nữa, buổi sáng sớm không gian vô cùng tĩnh lặng, chúng ta chưa gặp ai, chưa ai làm điều bực mình hay hơn dỗi cả, với tâm thanh tịnh như vậy chúng ta rất dễ cảm nhận hương vị của trà.

Tuy nhiên, bây giờ cũng rất khó để chúng ta dậy từ 4-5g sáng, tôi nghĩ rằng vấn đề này không đáng lo ngại, chúng ta có thể uống trà 6-7g cũng được.

Như đã nói ở trên, trong trà có nhiều chất caffein và tanin giúp kích hoạt dây thần kinh hưng phấn để chúng ta có được sự tỉnh táo, làm việc cả ngày.

Ngoài ra, chúng ta có thể uống trà buổi trưa, đặc biệt là buổi tối. Theo tôi, buổi tối cũng là thời gian rất tốt để uống trà vì lúc đó chúng ta tạm kết thúc công việc của một ngày. Đây là dịp để buông thư tâm của mình, chia sẻ câu chuyện với gia đình, người thân.

Ngày xưa, ngoài Bắc sau bữa cơm tối thì ông bà, cha mẹ, con cháu ngồi quây quần bên ấm trà. Chính nhờ sự chia sẻ đó mà mọi người sẽ hiểu nhau hơn, tình thương sẽ càng ngày càng thắt chặt.

Ngày nay, tôi thấy phong tục uống trà sau bữa cơm ở Hà Nội hay Sài Gòn đều không còn nhiều nữa. Đó cũng là một phần giải thích tại sao quan hệ của các thành viên trong gia đình lỏng lẻo. Tôi đã từng chứng kiến một số gia đình tại Việt Nam có khi cả tháng cha mẹ con cái chẳng nhìn thấy mặt nhau. Tôi nghĩ rằng nếu chén trà Việt Nam trở vào đời sống thực nó không chỉ đơn giản là sạch miệng, tiêu hóa thức ăn mà quan trọng hơn là giúp nâng cao tình thương, sự gắn kết của mỗi thành viên trong gia đình.

————————————————————
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trà Tiên Thiên
Địa chỉ: Tòa nhà Emime – Số 5 ngõ 23 Lê Văn Lương – Nhân Chính – Thanh Xuân – Hà Nội
Hotline: 08.1255.1368
Website: tienthientra.vn
Fanpage: Tiên Thiên Trà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *