“Chuyện Trà” và cách tiếp cận một nét văn hóa của người Việt

văn hóa trà Việt “Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” vừa được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu đến bạn đọc là cuốn cẩm nang về trà được viết dựa trên sự khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Không chỉ mang tính khảo cứu, cuốn sách là sự hài hoà giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng những thế thái nhân tình qua lá trà.

Như được nghe qua hàng ngàn câu chuyện về tách trà của người Việt, “Chuyện Trà” giúp độc giả biết thêm về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua những sử liệu chi tiết mà tác giả thu thập được, cùng với đó làm rõ thêm bằng những kiến giả, so sánh với lịch sử trà ở Trung Hoa. Những câu chuyện thú vị về kỹ thuật pha chế cùng cách thưởng trà của cha ông ta cũng được tác giả, nhà nghiên cứu 8X Trần Quang Đức kể lại thật hấp dẫn.

Cuốn sách dẫn dắt độc giả đi từ Trà nguồn cội – giống cây, tên gọi, thú vui uống trà, lần lượt qua Trà mộc mạc, Trà hương sắc – từ lối uống cổ truyền dân dã đến những hình thái tinh xảo của trà, chậm rãi bước đến Trà thưởng thức – về cách pha hãm và dụng cụ trà, và kết lại ở Trà tinh thần – những kết nối quanh chén trà cổ thụ.

Phụ lục “Thưởng trà giai phẩm” tuyển và dịch những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt là một tư liệu quý, thỏa mãn độc giả yêu trà và mong muốn tôn vinh trà Việt. Kết hợp tinh thần khách quan, cái nhìn phóng khoáng và giọng kể thâm trầm, “Chuyện trà” đưa người đọc vào với thế giới trà một cách tự nhiên và khiến ta quyến luyến mãi trong thế giới dung dị đó.

Đó là những câu chuyện của người xưa thưởng trà, có thể kể đến các bậc danh nhân như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát … Câu chuyện của những nhân vật đặc biệt này khiến “Chuyện trà” thêm phần đặc sắc, như một tách trà ngọt dịu, chát nhẹ, thanh mát và thật tròn vị.

Tác giả thổ lộ trong cuốn sách, “Hà Nội trước chỉ có vài quán trà có thể điểm mặt gọi tên, thành ra mỗi khi hay tin có quán mới, tôi cùng anh bạn thân lại hẹn nhau tới chơi, gặp được chủ quán là dân làm trà, càng lấy làm thích. Giao du với dân trà, được nghe câu chuyện về trà nhiều hơn”.

Dĩ nhiên, đã gọi là câu chuyện thì có tính chất sáng tác, đôi khi là sáng tác ngẫu hứng, tức thời. Trong giới trà vốn đầy rẫy những câu chuyện ba thực bảy hư. Đến khi trà thiền vang bóng, tinh thần uống trà lại càng vi diệu. Với rượu mà nói, rượu ngon là ngon, mấy ông nhậu cùng lắm tấm tắc khen đôi câu, sau đó nâng ly cạn chén, uống là uống, chẳng lý sự rườm.

Nhưng trước bàn trà lại khác, không chỉ cần áo xiêm đạm nhã, trà cụ tinh tươm, thao tác nhịp nhàng, nói cười khẽ nhẹ, đôi lúc trong khoảng thinh không lắng đọng, tinh thần lãng đãng, người ta còn nói về trà như một thức uống tịnh tâm, như sương tựa mây, như tiên tựa bụt. Hai thức trà rượu, bản chất đều có điều hay dở. Ngay như Lục Vũ, trà thánh Trung Hoa, bên cạnh danh trước Trà kinh, còn viết Hủy trà luận, cũng chính bởi thấy được tinh thần quá câu nệ hình thức của người uống trà”. (trích Tự tựa)

Lại nữa như tác giả viết, rượu đa phần có sẵn, ẩm giả lấy rượu là men say, tạo hứng khởi hoặc xua tan phiền muộn, “hôm nay có rượu, nay say khướt; ngày mai sầu đến, ngày mai sầu” (La Ẩn), “chỉ mong già chết trong hoa rượu, chẳng muốn khom mình trước ngựa xe” (Đường Dần), mấy ai có nhu cầu tìm hiểu sử rượu, cũng như cách thức nấu pha.

Trà lại khác. Trà phải để ý nước nôi, sắp đặt ấm chén chậm rãi thong thả, trà nhân cũng thường khoái cảnh nhâm nhi chén trà bên trang sách, “trà quện hương hoa mộc, sách xanh biếc tàu tiêu” (Cao Bá Quát), “kẹp sách im lìm song trúc biếc; chén trà thanh nhẹ án sen thơm” (Tuy Lý vương Miên Trinh).

Người thưởng trà cũng thích tìm hiểu xem các phẩm trà ngon được chế tác thế nào, hương trà bởi đâu mà có, cách pha hãm làm sao để được chén trà thơm ngon, tinh tế. Đi xa hơn, còn thắc mắc, trà nguyên sản từ đâu; đất Việt có những danh nhân nào sành trà; các vị Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát thưởng trà, cách thức có khác nhau không? Nhu cầu tìm hiểu sử trà bởi vậy cần thiết hơn rượu. Chuyện Trà ra mắt bạn đọc là vì thế.

Điều khá lý thú là cuốn “Chuyện trà” là được tác giả hoàn thành trong phần lớn thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *