Dù gian nan, vất vả nhưng công việc thu hái Chè cổ thụ đang là kế mưu sinh nhiều đời nay của đồng bào người Mông tại Tả Thàng – Mường Khương – Lào Cai.
Gian nan hái chè cổ thụ
Với diện tích hơn 13 ha, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong bốn địa danh nổi tiếng cả nước với những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi được coi như “báu vật” trên núi cao.
Hằng năm, từ tháng 3 trở đi, vụ chè xuân chính thức bước vào mùa thu hoạch. Đây cũng là quãng thời gian “ngàn vàng” để tạo ra những loại chè thượng phẩm, thơm ngon nhất. Trên những đỉnh núi, bà con dân tộc Mông ở Tà Thàng – Mường Khương cũng đang tất bật vào mùa thu hái.
Mặc dù được xem là nghề đem lại thu nhập cho người dân nhưng công việc hái chè cũng thật lắm gian nan.
Thông thường, tuổi đời của cây chè dao động từ 200 đến hàng nghìn năm, thân hình khá lớn, có những cây 2-3 người ôm không xuể, lại mọc chủ yếu trên núi cao nên rất khó thu hoạch. Bà con nơi đây phải trèo lên trên những cây mới có thể hái được.
Với độ cao của vùng núi Lào Cai cộng với độ cao của cây chè, quả thực người dân không chỉ cần sự khéo léo mà còn phải có thêm sự dũng cảm. Để hái được những búp chè ở cành xa, vừa phải đứng thật vững trên cành chè, vừa phải giữ thăng bằng, một tay bám chắc vào cành cây, một tay hái búp chè nhỏ cho vào túi vải. Vì đứng chênh vênh trên thân chè cao, bên dưới là vực sâu nhiều đá, chỉ cần sơ sẩy một chút là tính mạng đã bị đe dọa.
Đối với những cây chè nhỏ và thấp, việc hái búp chè đơn giản và bớt nguy hiểm hơn. Mỗi ngày một em nhỏ có thể hái được 5 -7kg búp chè tươi. Người hái nhanh, hái giỏi có thể hái được 10 -13kg búp chè mỗi ngày.
Ước tính toàn bộ thôn Tả Thàng, Sú Dí Phìn có diện tích chè cổ thụ lên đến hơn 13ha. Từ cuối xuân trở đi bà con dân tộc Mông ở đây đều tranh thủ hai chè bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Chè cổ thụ mang lại thu nhập ổn định
Đối với những hộ đồng bào miền núi, cả năm chỉ quanh quẩn với nương, rẫy thì nguồn thu nhập ổn định từ cây chè đang trở thành kế sinh nhai bền vững trong những năm gần đây.
Tận dụng lợi thế, chính quyền tại Tả Thàng đang đẩy mạnh nhiều chính sách khuyến khích bà con. Ngay từ đầu mùa thu hoạch chè cổ thụ năm nay, cán bộ khuyến nông tại xã đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè đảm bảo chất lượng. Đối với những cây chè có độ cao trung bình được bà con đốn tỉa tán thấp để việc thu hái búp chè dễ dàng hơn, không phải trèo lên cây cao nguy hiểm. Hiện nay, người dân xã Tả Thàng vừa khai thác tốt diện tích chè cổ thụ hiện có, vừa tích cực mở rộng diện tích chè Shan tuyết ươm giống từ những cây chè cổ thụ để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Mặc dù trong vòng hai năm trở lại đây việc bán chè cho thương lái gặp khó khăn nhưng nhờ có nhà máy của Công ty TNHH sản xuất trà Tiên Thiên đặt tại xã Tả Thàng nên giá chè cổ thụ vẫn ổn định, bà con rất phấn khởi. Hiện nay, mỗi kg búp chè tươi loại 1 tôm 2 lá có giá trung bình 30 nghìn đồng, còn loại 1 tôm có giá 250 – 300 nghìn đồng.
Nhiều bà con không quản ngại vượt chặng đường gian nan từ sáng sớm tinh mơ để đi thu hái, đổi lại là niềm vui, thành quả với đầy túi chè tươi. Sau khi thu hái búp chè tươi được cho vào bao mang về bán cho nhà máy chè tại xã Tả Thàng hoặc một số tiểu thương đến thu mua. Đây chính là nguyên liệu quý để chế biến ra những loại trà đặc sản cao cấp như hồng trà, bạch trà,…
Công việc thu hái chè cổ thụ trên núi cao Tả Thàng tuy gian nan, vất vả nhưng đã và đang đem lại nguồn thu cho bà con nơi đây. Từ rừng chè cổ thụ của gia đình, có những hộ dân thu được 20 – 30 triệu đồng từ bán búp chè tươi mỗi năm.
————————————————————
Sản xuất bởi: CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT TRÀ TIÊN THIÊN
Địa chỉ: Xã Tả Thàng – Huyện Mường Khương – Tỉnh Lào Cai
Phân phối bởi: CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN TRÀ TIÊN THIÊN
Địa chỉ: Số 55A đường Nguyễn Hy Quang, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 0812551368 Email: cskh@tienthientra.vn
Email: tienthientea@gmail.com
Fanpage: //www.facebook.com/TraTienThien/